Đặc sản Quảng Bình chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi mãi

1097

Dulichngay.net– Quảng Bình không chỉ có bờ biển Nhật Lệ tuyệt đẹp, những hang động có một không hai mà còn có những món ăn nhớ mãi không quên. Những đặc sản Quảng Bình mang đậm ẩm thực của người địa phương sẽ được giới thiệu cho du khách đến đây.

Các món đặc sản Quảng Bình

Khoai deo

đặc sản Quảng Bình

Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên “sâm đất”.

Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp – từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.

Lẩu cá khoai Quảng Bình 

Lẩu cá khoai được chế biến từ loài cá khoai có xương mềm, thịt nhão. Để làm nên món ăn đặc trưng này, cá khoai phải tươi và dày thịt để không bị nát, nước lẩu cũng phải có đầy đủ các nguyên liệu như nước cốt me, khế chua, măng chua, cà chua,… mới tạo nên hương vị ngọt chua đặc trưng. Đến Quảng Bình vào mùa đông thì đừng quên quây quần bên nồi nước lẩu nóng hổi và thưởng thức món lẩu cá khoai vô cùng thơm ngon nhé!

Mực khô

Mực khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của người dân Quảng Bình. Mực khô được đánh bắt từ vùng biển Quảng bình có thân dày, độ ngọt cao..những đặc điểm có được nhờ biển Quảng Bình có độ mặn cao. Theo những người chuyên nghề câu mực thì họ hàng nhà mực gồm nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim… tất cả đều ngon và bổ.

Mắm Ruốc

Con ruốc là loài giáp xác 10 chân, dạng như con tôm nhỏ, chỉ lớn 1-4cm. Người trong Nam gọi “tép” nhỏ, người Hà Tĩnh gọi “moi”, người miền Trung gọi “khuyết”.Ruốc là loại sinh vật nhỏ bé, giống như hạt cát, có màu nâu đỏ và mùi tanh của tôm cá. Đây là đặc sản không dễ có ở những vùng quê khác.  Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất. Ngạn ngữ Đồng Hới nói: “Ruốc tháng Sáu là máu rồng”. Đó là một cách nói ẩn dụ, hàm ý rằng ruốc tháng sáu quý hiếm vì ít năm ruốc tràn về trong tháng Sáu và đối với người Việt chúng ta, cái gì thuộc về rồng, phượng đều mang ý nghĩa tốt, đẹp, hiếm quý; đồng thời ngạn ngữ này cũng mang ý nghĩa so sánh: ruốc tháng Sáu làm ra đỏ như máu rồng. Thế là theo dân gian, ruốc tháng Sáu ngon quý về chất, đẹp về màu sắc.

Nước mắm Bảo Ninh

Xã Bảo Ninh là một xã vùng biển của thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), có nghề truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Bảo Ninh  tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu. Người trong vùng truyền tai nhau câu thơ: “Nguyên chất nước mắm nục mu/Một thìa giá trị bằng mâm cỗ đầy”. Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng.

Bánh khoái Đồng Hới

bánh khoái đồng hới đặc sản quảng bình

Thoạt trông nó khá tương đồng với bánh xèo miền Nam. Miếng bánh vàng rộm ngập tràn nhân tôm thịt, vỏ bánh to, giòn cách chế biến cũng cầu kỳ. Nước chấm đi kèm cũng phải thật đậm đà thì bánh mới ngon. Bánh khoái ngon có thể tìm dọc vỉa hè hoặc trong các khu chợ.

Bánh lọc bột sắn, tôm sông

Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.

Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.

Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.

Ốc ruốc

Món ốc ruốc cũng được coi là một đặc sản mà ai du lịch Quảng Bình nếu đã nếm qua thì một lần nhớ mãi không quên. Ốc ruốc là loài ốc nhỏ xíu, ruột bé tí tẹo nhưng khi ăn lại có hương vị rất thơm ngon. Con to nhất cũng chỉ nhỏ cỡ cái cúc áo, mình tròn, xoáy trôn ốc, nhiều màu rất đẹp.

Ốc ruốc thường có vào mùa tháng 2 âm lịch, ốc thường về nhiều nên người dân xứ Quảng nhờ đó mà cũng khấm khá hơn. Ốc được cào về đem ngâm nuối 1 đêm, đem luộc chỉ 5-10ph là ốc chín. Khi ốc chín cho thểm xả, lá chanh, nêm thêm muối, bột ngọt, gia vị rồi đảo nhanh tay là có món ốc ruốc thơm lừng, béo ngậy.